Hiển thị các bài đăng có nhãn SanBayPhanThiet. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn SanBayPhanThiet. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ tịch tỉnh Bình Thuận: Tiến độ sân bay Phan Thiết còn rất chậm (01.06.2022)

Đây là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại cuộc họp nghe Sở Giao thông vận tải báo cáo các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành, địa phương liên quan có nhiều cố gắng trong công tác triển khai hồ sơ điều chỉnh dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT, tuy nhiên tiến độ còn rất chậm so với yêu cầu, chưa kịp đồng bộ với tiến độ triển khai Dự án sân bay quân sự Phan Thiết.
Ảnh thực tế dự án sân bay Phan Thiết vào tháng 5/2022
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan, chậm nhất đến 31/5/2022 có văn bản góp ý kiến thẩm định hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gửi về Sở Giao thông vận tải tổng hợp.

Các nội dung góp ý thẩm định phải thật chi tiết, kỹ lưỡng về các vấn đề thuộc lĩnh vực các sở, ngành địa phương đang quản lý.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ các trình tự thủ tục đã thực hiện trước đây để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, tiếp tục liên hệ các Bộ, ngành liên quan nắm rõ thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tham mưu UBND tỉnh thực hiện đúng quy định.

Dự án đầu tư xây dựng hạng mục hàng không dân dụng thuộc Cảng hàng không Phan Thiết được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) tại Công văn 7285, ngày 18/9/2014; đồng thời, giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Cảng hàng không Phan Thiết là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Thuận. Dự án điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E cho phù hợp với tình hình thực tế với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.

Với quy mô cấp 4E, Cảng hàng không Phan Thiết có vai trò sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp I).

Tính đến đầu tháng 1/2022, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất, mặt bằng sạch để xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 545,56 ha bao gồm mặt bằng sân bay 543 ha và đài dẫn đường K2 là 2,56 ha.
(Nguồn: Cafeland)

Sức bật cao tốc, sân bay với bất động sản du lịch Phan Thiết

Những thông tin tích cực từ hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đã tạo động lực, đưa Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận bứt phá và mang lại nhiều kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng địa phương.

Hạ tầng nâng cánh du lịch
Vào tháng 9 tới, tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết dài gần 100 km, quy mô 6 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng dự kiến sẽ chính thức thông xe. Thời gian di chuyển từ TPHCM đến Phan Thiết như vậy được rút ngắn chỉ còn khoảng 2 tiếng. Tuyến cao tốc huyết mạch này không chỉ giúp giao thông liên vùng giữa TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận cải thiện đáng kể mà còn mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ cho các địa danh sở hữu tiềm năng du lịch như Bình Thuận, Vũng Tàu.
Cơ sở hạ tầng hình thành sẽ giúp Phan Thiết kết nối nhanh với các thành phố lớn và thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.
Ngoài ra, dự án nâng cấp sân bay Phan Thiết dự kiến cũng khánh thành giai đoạn 1 trong năm nay và toàn bộ vào 2023 sẽ mang tới động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Riêng với thị trường du lịch, sân bay Phan Thiết sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ các tỉnh miền Bắc và TPHCM với các đường bay thẳng.

Đặc biệt, sau khi sân bay quốc tế Long Thành khai trương giai đoạn 1 vào năm 2025 càng giúp thành phố biển Phan Thiết lọt vào bản đồ du lịch và giải trí hàng đầu châu Á, kết nối với nhiều thành phố lớn và địa danh du lịch trong khu vực nhờ thời lượng bay rút xuống chỉ còn 1-2 giờ đồng hồ.

Hạ tầng đi trước, diện mạo đô thị tăng tốc theo sau là thực tiễn cho thấy sự "lột xác" của nhiều địa danh thường xuất hiện sau khi có các tuyến cao tốc, cảng biển hay sân bay quốc tế hoàn thành. Chẳng hạn, đảo ngọc Phú Quốc đã trở thành điểm đến ưa thích của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế từ khi có sân bay Phú Quốc. Thị trường du lịch, bất động sản Quảng Ninh bùng nổ gần đây nhờ trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh kết hợp với sân bay quốc tế Vân Đồn...

Ở TPHCM, bất động sản tại khu vực TP. Thủ Đức đã gia tăng giá trị nhờ tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây hay tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Trong bối cảnh Chính phủ đặt trọng tâm đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm để kích cầu kinh tế hậu đại dịch, một số địa phương có tiềm năng về bất động sản nhà ở, thương mại, khu công nghiệp hay du lịch- nghỉ dưỡng được dự đoán sẽ bước vào quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ.

Điểm vàng kết nối
Nhìn trên bản đồ các thị trường tiềm năng bậc nhất hiện nay, rõ ràng thành phố biển Phan Thiết là "tọa độ vàng" khi là tâm điểm hội tụ của nhiều dự án hạ tầng trọng điểm trên cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không cùng lợi thế khí hậu nắng ấm quanh năm, nổi tiếng với "đặc sản" biển xanh, cát trắng, nắng vàng và nhiều cảnh đẹp hiếm có.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, các thủ phủ du lịch nổi tiếng thường cách các trung tâm kinh tế khoảng 2-3 giờ lái xe, rất thuận tiện để đón một lượng đông đảo người dân từ các thành phố lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi dịp cuối tuần.

Nhu cầu du lịch bị dồn nén trong suốt 2 năm qua do dịch bệnh sẽ là động lực kích thích dòng người tìm đến các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, đa dạng các hoạt động giải trí, thể thao biển.

Nhưng theo nhận định của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, du lịch là một ngành không ngừng thay đổi để thích nghi với các xu hướng mới. Bên cạnh các thương hiệu khách sạn truyền thống chú trọng các tiêu chuẩn dịch vụ, tiện nghi cơ bản của khách lưu trú thì thị trường cần nhiều thương hiệu mới nhằm đáp ứng nhóm khách du lịch với các đặc tính riêng dựa theo những thay đổi về yếu tố nhân khẩu học; sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, xu hướng của thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 trở đi) chú trọng trải nghiệm.

Bên cạnh đó không thể không nhắc đến xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ toàn diện (wellness). Mặc dù đã phát triển trên thế thế giới từ khá lâu, xu hướng này chỉ mới được quan tâm nhiều hơn tại thị trường Việt Nam kể từ sau đại dịch. Vì thế, cơ hội lớn đang dành cho các tổ hợp du lịch theo mô hình phức hợp, quy mô lớn với đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí sôi động và hệ tiện ích chăm sóc sức khỏe tốt.
Tổ hợp nghỉ dưỡng ven biển quy mô, được quy hoạch bài bản và tích hợp đầy đủ tiện ích được nhà đầu tư săn đón.
Có thể kể đến một số dự án điển hình như tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng NovaWorld Phan Thiet. Dự án này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà đầu tư lẫn du khách trong và ngoài nước bởi hệ sinh thái hàng trăm tiện ích du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, mua sắm đẳng cấp quốc tế. Trong đó có công viên biển Miami Bikini Beach 16 ha, công viên chủ đề NovaDreams Adventure World 25 ha, cụm sân golf PGA độc quyền 36 hố, trung tâm giải trí thể thao Arena 10.000 chỗ ngồi trong nhà, tổ hợp Sport Complex, khu vui chơi trong nhà, trung tâm mua sắm, 20 khách sạn và resort tiêu chuẩn quốc tế, phố mua sắm, ẩm thực sầm uất.

Toạ lạc tại xã Tiến Thành (Phan Thiết), NovaWorld Phan Thiet được đầu tư gần 5 tỷ USD với tầm nhìn trở thành siêu thành phố biển - du lịch - sức khỏe, điểm đến hàng đầu của châu Á, đồng thời góp phần đưa Phan Thiết trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch M.I.C.E và du lịch chăm sóc sức khoẻ wellness. Nơi đây còn là "toạ độ" đắt giá hội tụ đa dạng loại hình sản phẩm như shophouse, villa, boutique hotel, nhà phố biển… giúp khách hàng vừa tận hưởng không gian nghỉ dưỡng, vừa có thể cho thuê, đầu tư sinh lời.

Năm 2022 đánh dấu sự khởi sắc trở lại của bất động sản du lịch khi chính sách mở cửa lại toàn bộ các đường bay quốc tế từ 15/3 của Chính phủ và dự báo kinh tế tăng trưởng cao. Riêng Bình Thuận kỳ vọng sẽ trở thành "điểm nóng" đón hàng triệu du khách nhờ kết nối hạ tầng đồng bộ, tiềm năng du lịch cũng như định hướng đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Chính phủ và địa phương. Điều này đã mở rộng tiềm năng gia tăng giá trị mạnh mẽ cho những tổ hợp nghỉ dưỡng như NovaWorld Phan Thiet.

(Nguồn: https://baochinhphu.vn/suc-bat-cao-toc-san-bay-voi-bat-dong-san-du-lich-phan-thiet-102220310101858091.htm)

Đẩy nhanh tiến độ dự án Sân Bay Phan Thiết (13.01.2022)

Cảng hàng không Phan Thiết là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Thuận. Dự án điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Mô hình tổng thể Dự án Cảng hàng không Phan Thiết.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi các sở, ngành trong tỉnh về việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao (BOT) theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Thiết căn cứ nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân tỉnh giao, khẩn trương, tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các hạng mục còn lại thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (Dự án eKQ920) đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch chi tiết (Sơ đồ Gantt) đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các Sở, ngành, địa phương, hàng tuần báo cáo tiến độ thực hiện để Ủy ban Nhân dân tỉnh theo dõi và chỉ đạo.

Cảng hàng không Phan Thiết là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Thuận. Dự án điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E cho phù hợp với tình hình thực tế với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.

Với quy mô cấp 4E, Cảng hàng không Phan Thiết có vai trò sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp I).

Tính đến đầu tháng 1/2022, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất, mặt bằng sạch để xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 545,56 ha bao gồm mặt bằng sân bay 543 ha và đài dẫn đường K2 là 2,56 ha. Đã triển khai bàn giao cho Bộ Quốc phòng quản lý 150 ha diện tích đất khu quân sự và 247,4 ha diện tích đất khu bay (khu dùng chung).

Riêng đài dẫn đường K2 là 2,56 ha hiện đang triển khai thủ tục để giao đất cho Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã giao Nhà đầu tư BOT quản lý 144,6 ha diện tích đất khu hàng không dân dụng. Riêng đài Vor 1 ha hiện đang triển khai thủ tục giao đất cho Nhà đầu tư BOT./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)

Điều chỉnh dự án sân bay Phan Thiết tổng mức đầu tư hơn 3800 tỉ đồng (21.10.2021)

Chiều 20-10-2021, Trung tướng Vũ Văn Kha, quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã có cuộc làm việc với ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

Sân bay Phan Thiết được điều chỉnh từ cấp 4C lên cấp 4E với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng; là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự với sân bay quân sự cấp I.
Trung tướng Vũ Văn Kha, quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân phát biểu tại buổi làm việc.
Ngày 18-3-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân bay quân sự tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và đến ngày 18-4, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai rà phá bom mìn; hoàn tất hồ sơ thủ tục và đang triển khai thi công san ủi mặt bằng.

Tại cuộc họp, đại diện đoàn công tác Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, trong tháng 10-2021 sẽ triển khai thi công đồng loạt các hạng mục. Do đó để đảm bảo tiến độ đưa toàn bộ hạng mục thuộc dự án hoàn thành trong năm 2022, đoàn công tác đề nghị tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đất còn lại thuộc dự án; sớm lập phương án di dời đường điện 220kv ảnh hưởng tĩnh không sân bay…
Theo Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất để xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích hơn 545 ha (bao gồm mặt bằng sân bay 543 ha và đài dẫn đường K2 2,56 ha).

Tỉnh đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng quản lý 150 ha diện tích đất khu quân sự, riêng đài dẫn đường K2 2,56 ha hiện đang triển khai thủ tục để giao đất cho Bộ Quốc phòng. Đối với khu nhà công vụ, tổng diện tích đất thu hồi 10 ha, trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và UBND TP Phan Thiết đang tiếp tục mời các hộ để vận động nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng còn lại. Ngoài ra tỉnh Bình Thuận cũng đã giao nhà đầu tư BOT quản lý 144,6ha đất khu hàng không dân dụng.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết
Tại buổi làm việc, ông Lê Tuấn Phong nêu, dự án Cảng hàng không Phan Thiết là công trình trọng điểm. Do đó tỉnh sẽ triển khai thực hiện các công việc liên quan với tinh thần quyết tâm cao nhất nhằm góp phần đảm bảo tiến độ của dự án.

Liên quan đến các kiến nghị của đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng địa phương liên quan khẩn trương triển khai dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với đài dẫn đường K2, khu nhà công vụ trong tháng 10.
Dự án sân bay Phan Thiết được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu từ năm 2014, đồng thời giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện. Năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận lựa chọn và ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Rạng Đông về việc xây dựng dự án này theo hình thức BOT.
Ngày 29-8-2018, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E để phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Mục tiêu nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài - Phan Thiết, Vân Đồn - Phan Thiết, Cát Bi - Phan Thiết, với các máy bay code E trong giai đoạn đến năm 2030 cũng như khai thác được các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay.
Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc.
Khi điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết, các cơ quan liên quan đã kéo dài đường cất hạ cánh sân bay từ 2.400 m lên 3.050 m, mặt đường lăn rộng 23 m, dải lăn rộng 43,5 m, đáp ứng các tiêu chuẩn của ICAO. Sân đỗ máy bay cũng được mở rộng gồm hai máy bay code E, và bốn máy bay code C.
Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết được mở rộng từ 5.000 m2 lên 19.200 m2, để đạt công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Với quy hoạch điều chỉnh, sân bay Phan Thiết sẽ được chia làm ba khu: Khu bay dùng chung cho cả mục đích dân dụng và quân sự; khu phục vụ hàng không dân dụng gồm sân đỗ máy bay hàng không dân dụng và công trình hàng không dân dụng nằm độc lập; khu quân sự dành riêng đỗ máy bay quân sự, hạ tầng kỹ thuật quân sự.
Vốn đầu tư dự án được xác định từ hai nguồn, vốn huy động từ nguồn kinh phí dự phòng của dự án BT khu bay quân sự để đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh và đường lăn.
Phần vốn đầu tư khu hàng không dân dụng sân bay được huy động từ nhà đầu tư BOT - Công ty Cổ phần Rạng Đông.

(Nguồn: https://plo.vn/dieu-chinh-du-an-san-bay-phan-thiet-tong-muc-dau-tu-hon-3-800-ti-dong-post653678.html)

Thống nhất dừng thực hiện giai đoạn 2 đường vào sân bay Phan Thiết (18.08.2021)

Ngày 18-8-2021, Kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bế mạc sau hai ngày làm việc bằng hình thức trực tuyến tại ba điểm cầu của tỉnh và chín điểm cầu tại các huyện.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận định hướng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Các đại biểu đề nghị cần tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án giao thông trọng điểm.

Đòng thời huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Kỳ họp cũng tiến hành thảo luận và thông qua một số Nghị quyết quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh.

Trong đó có một số Nghị quyết quan trọng như: Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Phan Thiết; dự án hoàn chỉnh hệ thống kênh hồ chứa nước Sông Móng và dự án hệ thống cấp nước xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam; thông qua chủ trương dừng triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án đường vào sân bay Phan Thiết
Quang cảnh kỳ họp trực tuyến.
Về chủ trương dừng triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án đường vào sân bay Phan Thiết, theo HĐND tỉnh, lý do là thời gian thực hiện dự án đã hơn bốn năm, vượt quá thời gian của Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, hai dự án thành phần thuộc dự án Cảng hàng không Phan Thiết là dự án sân bay quân sự Phan Thiết và dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT đang hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai. Do đó chưa cần thiết phải triển khai giai đoạn 2 dự án đường vào sân bay Phan Thiết.

Kết cấu mặt đường giai đoạn 1 đủ điều kiện làm đường công vụ phục vụ thi công xây dựng dự án Cảng hàng không Phan Thiết. Được biết con đường trên dài 3.750m, chiều rộng nền đường 36m.

Đến nay nhà thầu đã thi công được 75% khối lượng giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong quý III/2021 với dự toán thực hiện gần 60 tỉ đồng.

(Nguồn: https://plo.vn/thong-nhat-dung-thuc-hien-giai-doan-2-duong-vao-san-bay-phan-thiet-post643218.html)

Lập hội đồng thẩm định đầu tư BOT sân bay Phan Thiết (05.05.2021)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư được giao làm Chủ tịch Hội đồng.

Dự án sân bay Phan Thiết được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu từ năm 2014, đồng thời giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết.
Năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận lựa chọn và ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Rạng Đông về việc xây dựng dự án này theo hình thức BOT.

Ngày 29-8-2018, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO), do đó dự án phải điều chỉnh tăng quy mô và tăng tổng mức đầu tư trên 10%.

Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án phải thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi ký kết phụ lục hợp đồng đối với các nội dung sửa đổi.

Được biết để đầu tư sân bay Phan Thiết giai đoạn 2020-2021 cần khoảng 10.272,9 tỉ đồng và giai đoạn định hướng đến năm 2030 khoảng 332,5 tỉ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 69 năm.

Sân bay Phan Thiết được khởi công từ tháng 1-2015. Từ đó đến nay đã hơn năm năm nhưng dự án này vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, chưa thể triển khai xây dựng.

Sân bay Phan Thiết được xem là một trong ba sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.

(Nguồn: https://plo.vn/lap-hoi-dong-tham-dinh-dau-tu-bot-san-bay-phan-thiet-post624541.html)

Bộ Quốc phòng làm việc tại Bình Thuận về dự án sân bay Phan Thiết (05.03.2021)

Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất để xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết với 545,56ha.
Quang cảnh buổi làm việc.
Chiều 5/3/2021, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về tình hình triển khai thực hiện dự án Cảng hàng không Sân bay Phan Thiết.

Cảng hàng không Phan Thiết là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, dự án được điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E cho phù hợp với tình hình thực tế; tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1.694 tỷ đồng lên 3.833 tỷ đồng.

Với quy mô cấp 4E, Cảng hàng không Phan Thiết có vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp I).

Ông Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, cho biết đến nay, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất để xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết với 545,56ha (gồm mặt bằng sân bay 543ha và đài dẫn đường K2 là 2,56ha).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hoàn tất hồ sơ pháp lý và giao cho Bộ Quốc phòng quản lý 150ha đất khu quân sự. Bình Thuận cũng đã giao nhà đầu tư BOT quản lý 145,6ha đất khu hàng không dân dụng.

Tỉnh đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với hạng mục Khu gia đình quân nhân và nhà công vụ (10ha).

Đối với diện tích đất các đài dẫn đường và các trận địa phòng không (30ha), do Thủ tướng Chính phủ hiện chưa phê duyệt chủ trương Dự án đầu tư khu sân bay quân sự tại Phan Thiết nên chưa có cơ sở thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Tại buổi làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Quốc phòng làm việc cùng Văn phòng Chính phủ để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị tư vấn thiết kế làm việc với cơ quan liên quan của tỉnh về nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng, xác định khu vực đổ vật liệu thải để chủ động triển khai dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá cao tỉnh Bình Thuận trong công tác bồi thường, giải phóng toàn bộ mặt bằng sân bay.

Việc nâng cấp Cảng hàng không Phan Thiết từ 4C lên 4E là phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo công tác an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn vốn xây dựng sân bay là từ vốn đầu tư công. Việc triển khai dự án cũng tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giao thông, vận chuyển hành khách thuận lợi hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc; tiếp tục triển khai giải phóng toàn bộ mặt bằng còn lại.

Công tác phối hợp triển khai phải chặt chẽ, an toàn, đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực và không được vi phạm về vấn đề môi trường.

Bộ Quốc phòng sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Đây là công trình lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng.

Thượng tướng Trần Đơn yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành hồ sơ hạng mục đi kèm để triển khai thi công trong cuối tháng 3/2021./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)

Thủ tướng yêu cầu sớm đưa sân bay Phan Thiết vào hoạt động (13.08.2020)

Ngày 13-8-2020, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ký Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hôm 23-7.
Quang cảnh cuộc làm việc trực tuyến
Theo Thủ tướng, Bình Thuận có nhiều lợi thế phát triển như đất đai rộng lớn, con người cần cù, có truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, có cảng nước sâu, ngư trường lớn, có khoáng sản, năng lượng tái tạo… Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh quyết tâm rất cao trong khắc phục các khó khăn, nỗ lực vươn lên. GRDP của tỉnh năm 2019 đứng thứ 32/63 tỉnh thành thì 6 tháng đầu năm, Bình Thuận đã vươn lên đứng thứ 18.

Tuy nhiên Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tỉnh còn chịu ảnh hưởng lớn bởi hạn hán, triều cường, xâm thực; hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ, chồng lấn quy hoạch titan với quy hoạch khác là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời làm ảnh hưởng đến phát triển. Cùng đó, quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng còn lỏng lẻo; kiểm tra, xử lý chưa kịp thời, chưa kiên quyết các hành vi phi pháp khai thác quặng trái phép…

Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp nêu ra trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận phải làm tốt công tác quy hoạch để không bị chồng lấn, lãng phí; đẩy mạnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính….
Thủ tướng chỉ đạo tại cuộc làm việc
Đối với kiến nghị của tỉnh về sân bay Phan Thiết, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ KHĐT nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Thủ tướng cho phép Bộ Quốc phòng ứng trước kinh phí để chuẩn bị đầu tư dự án. Các bộ ngành liên quan có nhiệm vụ phối hợp với Bình Thuận điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến 2020; cập nhật công trình, dự án Cảng hàng không Phan Thiết vào danh mục dự án công trình có sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, sớm đưa sân bay Phan Thiết vào hoạt động đúng quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính thực hiện đấu giá diện tích đất tại sân bay Nha Trang tạo nguồn vốn thực hiện dự án đúng pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng từ tháng 6-2018.

Đối với quy hoạch bổ sung đường cất hạ cánh số 2 của sân bay Phan Thiết vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 định hướng đến 2050, để rút ngắn thời gian, UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất với Bộ GTVT bố trí nguồn vốn hợp pháp để lập quy hoạch và gởi hồ sơ cho Cục Hàng không Việt Nam xem xét trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết
Thủ tướng cũng giao Bộ TN&MT, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng điều chỉnh cục bộ khu vực dự trữ khoáng sản titan Quốc gia trong quý IV năm 2020 đúng pháp luật.

Về bổ sung điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind và điện khí LNG Kê Gà vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu lập quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 trình Thủ tướng trong tháng 10-2020.

Thủ tướng giao Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ để tổ chức đấu thầu, triển khai khởi công xây dựng các gói thầu của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn Bình Thuận vào cuối tháng 8-2020. Đồng thời, cập nhật bổ sung vào dự án đường bộ cao tốc đoạn qua Bình Thuận về đường gom, hầm chui, cầu vượt…

Đối với đường dây tải điện cao thế, Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia phối hợp, tạo điều kiện cho địa phương trong việc di dời, cải tạo đường dây; phương án tổ chức thi công tại các vị trí giao chéo của đường điện cao thế với đường cao tốc.

(Nguồn: https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-som-dua-san-bay-phan-thiet-vao-hoat-dong-post588635.html)

SanBayPhanThiet