Hiển thị các bài đăng có nhãn CaoTocDauGiayPhanThiet. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CaoTocDauGiayPhanThiet. Hiển thị tất cả bài đăng

Đoàn giám sát của Quốc hội thị sát dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây (02.08.2022)

Đoàn giám sát Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thực hiện giám sát tiến độ thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Ngày 2-8, Đoàn giám sát Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đầu đã thực hiện giám sát tiến độ thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đi với đoàn có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được Bộ GT-VT giao làm chủ đầu tư, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km, chia thành bốn gói thầu. Trong đó, đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 51km.
Đoàn giám sát Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thị sát dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Hiện các gói thầu xây lắp đã hoàn thành hơn 53% sản lượng hợp đồng, tương đương hơn 3 ngàn tỷ đồng, chậm 1,14% so với kế hoạch.

Theo đại diện chủ đầu tư, việc chậm tiến độ là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, điều kiện thời tiết mưa nhiều, khan hiếm nguồn cung vật liệu đắp và biến động giá vật liệu. Đặc biệt, thời gian qua có một số vật liệu tăng giá.

Để đảm bảo tiến độ dự án, chủ đầu tư kiến nghị cơ quan chức năng có ý kiến với hai địa phương Đồng Nai và Bình Thuận giải quyết dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng, nhất là di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, cho phép áp dụng chỉ số giá phù hợp với giá thị trường.
Thi công trên công trường gói thầu XL03 qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Phát biểu ý kiến tại buổi giám sát, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các nhà thầu tập trung cho công tác đắp đất đối với các đoạn tuyến chưa hoàn thành. Để đảm bảo tiến độ dự án, các nhà thầu cần có sự hỗ trợ, điều phối máy móc, thiết bị thi công. Các khó khăn về hệ số giá Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp giải quyết trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đây là dự án quan trọng của cả nước được Quốc hội dành mọi nguồn lực, nhà thầu phải có trách nhiệm hơn tăng cường thiết bị, huy động nhân công với nỗ lực cao nhất.

“Ghi nhận những ý kiến và báo cáo của Bộ, ngành liên quan, đoàn công tác sẽ phối hợp với bộ hoàn thiện báo cáo, gửi lên cơ quan thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn này”, ông Vũ Hồng Thanh nói thêm.

(Nguồn: https://plo.vn/doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-thi-sat-du-an-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-post692066.html)

11 dự án cao tốc Bắc - Nam, đã có 1 dự án về đích (22.07.2022)

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang nỗ lực thi công, dù có một số đoạn bị chậm tiến độ.

Bộ GTVT cho biết dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (ba dự án đầu tư PPP và tám dự án đầu tư công).
Tổng tiến độ 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 1.
Đầu năm 2022, dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km đã đưa vào khai thác, 10 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch.

Trong đó, công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng đạt 100%, bàn giao 652,555 km (đạt 99,95%), còn lại khoảng 305m chưa bàn giao, dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2022.
Sơ đồ tuyến cao tốc Bắc - Nam sau khi được ghép nối.
Dự kiến trong năm 2022 có bốn dự án hoàn thành tiến độ. Tiến độ cụ thể các dự án án hiện nay như sau:

Đoạn Mai Sơn - QL45 (dài 63,4 km), dự án khởi công tháng 9-2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12-2022. Sản lượng thực hiện đạt 66,89% giá trị hợp đồng, chậm 2,3%.

Dự án gần đây bị chững lại, chậm tiến độ so với kế hoạch bởi các nguyên nhân như thời tiết không thuận lợi; biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng. Hiện nay, dự án đang thi công lớp móng, mặt đường cần phải huy động nguồn tài chính rất lớn.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn, dài 98,3 km. Dự án khởi công tháng 9-2019, kế hoạch cơ bản các gói thầu sẽ hoàn thành trong tháng 9-2022, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án trong năm 2022. Sản lượng dự án thực hiện đạt khoảng 90,75% giá trị hợp đồng.

Dự án này bị ảnh hưởng rất lớn do thời tiết không thuận lợi (từ đầu năm 2022 đến tháng 6-2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn còn mưa) và biến động giá vật liệu xây dựng.

Đoạn Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài 100,8 km, dự án khởi công tháng 9-2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12-2022. Sản lượng thực hiện đạt 45,2% giá trị hợp đồng, chậm 0,65% so với kế hoạch điều chỉnh.
Dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã đạt hơn 45% tổng tiến độ dự án.
Dự kiến đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ hoàn thành vào tháng 12-2022.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban QLDA theo dõi, đôn đốc việc triển khai thi công của các nhà thầu, thực hiện đồng bộ một số giải pháp (bổ sung nhà thầu phụ cắt chuyển khối lượng,...) để cơ bản hoàn thành toàn Dự án vào cuối tháng 12-2022, đưa vào khai thác sử dụng đầu năm 2023.

Đoạn Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, được khởi công tháng 9-2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12-2022. Sản lượng thực hiện đạt 51,02% giá trị hợp đồng, chậm 0,57% so với kế hoạch điều chỉnh.
Dự án Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2022.
Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ do thời tiết không thuận lợi (tại khu vực dự án, mùa mưa đến sớm hơn thường lệ, từ tháng 5-2022 đến nay có khoảng 40 ngày mưa) và biến động giá vật liệu xây dựng.

Ban QLDA Thăng Long, các nhà thầu đã rà soát, xây dựng lại tiến độ và cam kết hoàn thành công trình trong năm 2022.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long theo dõi chặt chẽ tiến độ thi công của nhà thầu và yêu cầu các nhà thầu kịp thời huy động đủ nguồn lực cho thi công. Đồng thời, kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo quy định hợp đồng để hoàn thành dự án đúng tiến độ cam kết.

Đoạn QL45 - Nghi Sơn dài 43,28 km, dự án khởi công tháng 7-2021, kế hoạch hoàn thành tháng 8-2023.

Sản lượng thực hiện đạt 44,5% giá trị hợp đồng, chậm 1,76%. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do thời tiết không thuận lợi và biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng, cước vận tải tăng cao.

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km. Dự án khởi công tháng 7-2021, kế hoạch hoàn thành vào tháng 7-2023. Sản lượng thực hiện đạt 42,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch.

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km. Dự án khởi công tháng 5-2021, kế hoạch hoàn thành tháng 5-2024. Giai đoạn đầu triển khai dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng của, đến ngày 12-2-2022 mới ký được hợp đồng tín dụng.
Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đạt 9,5% tổng tiến độ.
Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư quyết tâm bảo đảm tiến độ dự án.
Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư lập tiến độ thi công điều chỉnh, bổ sung nguồn lực, làm tăng ca để bù lại khối lượng đã bị chậm. Hiện nay, sản lượng thực hiện đạt 9,5% giá trị hợp đồng, chậm 3,6% so với tiến độ điều chỉnh.

Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA 6 tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện và có các giải pháp quyết liệt để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án.

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1 km được khởi công từ tháng 9-2021, kế hoạch hoàn thành tháng 9-2023. Theo Bộ GTVT hiện nhà đầu tư cam kết rút ngắn tiến độ 3 tháng. Sản lượng thực hiện đạt 38,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch.

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, được khởi công từ tháng 9-2021, kế hoạch hoàn thành 3-2024. Theo Bộ GTVT hiện nhà đầu tư cam kết rút ngắn tiến 3 tháng. Sản lượng thực hiện đạt 17,9% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,3%.
Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đạt gần 18% tổng giá trị hợp đồng.
Thời gian vừa qua, các nhà thầu đã có nhiều nỗ lực cố gắng, đã bổ sung tăng cường nhân lực, thiết bị để thi công. Tuy nhiên, vẫn chưa bù lại được phần tiến độ đã bị chậm, dự kiến sẽ bù lại phần tiến độ đã bị chậm trong thời gian tới.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang nỗ lực thi công và sẽ về đích vào tháng 12-2023.
Cầu Mỹ Thuận 2 đạt tiến độ 55,74%.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,01 km, dự án khởi công tháng 3-2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12-2023. Sản lượng thực hiện đạt 55,74% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch.

(Nguồn: https://plo.vn/11-du-an-cao-toc-bac-nam-da-co-1-du-an-ve-dich-post690597.html)

5 dự án cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ

Bộ GTVT vừa cho biết dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đến nay tổng giá trị xây lắp đạt khoảng 24.441/57.076 tỉ đồng, tương đương 42,8% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,8%

Cụ thể, trong số 11 dự án thì có năm dự án chậm tiến độ từ 1,7% đến gần 5% gồm Cam Lộ - La Sơn, Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cao Tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Khó khăn nhất của dự án được Bộ GTVT nêu đó là thời gian qua giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu tăng cao, việc bù trượt giá theo công thức được quy định trong hợp đồng với chỉ số trượt giá chưa bù đắp được mức độ biến động giá, ngoài khả năng dự báo của chủ đầu tư và nhà thầu.

Nguyên nhân trên khiến các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng chờ giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng hạ và chờ hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng. Đặc biệt, đối với các dự án hoàn thành năm 2022, các nhà thầu đang thi công các lớp móng, mặt đường, cần phải huy động nguồn tài chính rất lớn.

Trước những khó khăn đó, Bộ GTVT đã có báo cáo các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn. Sau đó, Bộ Xây dựng có văn bản nhưng chưa tháo gỡ được các vướng mắc liên quan đến biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng về việc điều chỉnh hợp đồng.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho rằng việc điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đã được quy định cụ thể tại Luật Xây dựng và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Theo đó, kiến nghị của Bộ GTVT về việc thay đổi phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng từ sử dụng chỉ số giá sang bù trừ trực tiếp, cũng như thay đổi công thức điều chỉnh giá hợp đồng để phù hợp với tỉ trọng vật liệu chủ yếu của công trình là chưa đủ cơ sở...

Tuy vậy, Bộ GTVT vẫn đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai.

“Ngoài ra, bộ cũng yêu cầu các đơn vị lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án. Đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày/tuần/tháng, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ chấm dứt hợp đồng và cấm đấu thầu 3-5 năm…” - Bộ GTVT cho hay.

(Nguồn: https://plo.vn/5-du-an-cao-toc-bac-nam-cham-tien-do-post688075.html)

Phó Thủ tướng: Nhà thầu cao tốc Bắc-Nam làm chậm phải thay thế ngay (15.06.2022)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói: “Các nhà thầu xây dựng không đáp ứng được yêu cầu thì phải điều chuyển khối lượng, thay thế ngay. Ban quản lý không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng cũng phải thay thế”.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam vào sáng 15-6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu: “Từ nay tới cuối năm, dứt khoát phải hoàn thành 361 km đường cao tốc của giai đoạn 1”.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, đối với bốn dự án phải hoàn thành trong năm nay có sản lượng thực hiện đến nay đạt 64,2% giá trị hợp đồng. Trong đó, dự án Cam Lộ - La Sơn chậm 1,53%, Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết chậm 1,93%, Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây chậm khoảng 3,8%.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo cuộc họp.
Nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ các dự án là khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng. Tại khu vực dự án, mùa mưa đến sớm hơn so với thường lệ. Đặc biệt, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) còn thiếu khoảng 2,2 triệu m3 đất đắp nền.

Băn khoăn về vướng mắc này, Phó Thủ tướng đề ghị làm rõ liệu vướng mắc này có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022 hay không, đặc biệt các tháng tiếp theo sẽ là mùa mưa.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) hiện có 5 mỏ đất đã được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng là 2,2 triệu m3 nhưng chưa thể khai thác do đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Giải trình thêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong cho biết thêm, tỉnh đã cấp phép 16/16 mỏ, đáp ứng yêu cầu 7,2 triệu m3 đất đắp nền cho toàn bộ dự án. Tuy nhiên, hiện nay còn 4 mỏ đã cấp phép nhưng đang làm thủ tục cho thuê đất. Lãnh đạo tỉnh khẳng định trong tháng 6, hoàn thành các thủ tục để các mỏ đi vào khác thác, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng, để thanh toán kịp thời cho các nhà thầu trong bối cảnh biến động giá. Dứt khoát không để vì biến động giá mà các nhà thầu chần chừ, không hoàn thành công việc.

Kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT phải thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc các Ban Quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu bám sát tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Đồng thời, làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu...

Bộ GTVT cũng cần tiến hành giao ban kiểm điểm tiến độ hàng tuần, có biện pháp xử lý ngay trách nhiệm người đứng đầu của các Ban Quản lý dự án có dự án chậm tiến độ.

Phó Thủ tướng nói. “Các nhà thầu xây dựng không đáp ứng được yêu cầu thì phải điều chuyển khối lượng, thay thế ngay. Ban quản lý không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng cũng phải thay thế”.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận tháo gỡ mọi vướng mắc để các mỏ vật liệu đất đắp còn lại đi vào khai thác, không để ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.
Không lùi bất cứ mốc tiến độ nào của dự án cao tốc Bắc – Nam
Liên quan đến giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc – Nam (dài 729 km), Phó Thủ tướng nêu rõ “không lùi bất cứ tiến độ nào”..

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 18 của Chính phủ, nhất là hoàn thiện các thủ tục về đất đai, thiết kế, xác định tổng mức đầu tư; bảo đảm tiến độ phê duyệt 12 dự án thành phần của giai đoạn 2 trong tháng 6 để khởi công trong tháng 12/2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Làm chặt chẽ, tiết kiệm, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “chúng ta làm đúng thì mới có thể làm nhanh được”- Phó Thủ tướng nêu rõ.

(Nguồn: https://plo.vn/pho-thu-tuong-nha-thau-cao-toc-bac-nam-lam-cham-phai-thay-the-ngay-post684773.html) 

Đẩy nhanh tiến độ 2 dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Vĩnh Hảo-Phan Thiết (28.05.2022)

"Hiện hai dự án Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Vĩnh Hảo-Phan Thiết sản lượng thi công chưa đạt tới 50%, các nhà đầu tư, nhà thầu phải nắm bắt tình hình từng ngày, từng giờ, tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm 3 ca, 4 ca ...thì mới có thể đưa 4 dự án cao tốc này về đích đúng hẹn. Khó khăn ở đâu, Ban điều hành dự án phải cùng nhà thầu phải lăn xả vào giải quyết,” Bộ trưởng GTVT yêu cầu.

Cập nhật tiến độ các dự án
Đánh giá các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 (giai đoạn 1) trong tháng 5 đã có chuyển biến hơn so với tháng 4/2022. Theo báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã hoàn thành công tác bồi thường đạt 100%; bàn giao 651,4/652,8km (đạt 99,8%), còn lại khoảng 1,4km cần giải phóng mặt bằng tại 3 dự án.

“Tổng khối lượng xây lắp đến nay đạt khoảng 39,2% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,03% so với kế hoạch,” ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay.
Làm ca đêm để đẩy nhanh tiến độ trên công trường đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo
Đối với 4 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam yêu cầu hoàn thành năm nay, ông Thái thông tin thêm, sản lượng trung bình đạt 57,6% giá trị hợp đồng, chậm 2,7% so với kế hoạch.

Cụ thể, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 sản lượng đạt 62,3%, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục chỉ đạo nhà thầu thi công bám sát kế hoạch đã chấp thuận.

Đoạn Cam Lộ-La Sơn sản lượng đạt 86%, chậm khoảng 1,3% so với kế hoạch (gồm 7/10 gói thầu chậm) chủ yếu do nhà thầu thi công chậm và thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến thi công bê tông nhựa.

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện cắt chuyển 1,49km (0,56km thuộc gói thầu XL03 và 0,93km thuộc gói thầu XL5) và một số đường đầu cầu, đường dẫn hầm chui tại các nhà thầu XL3, XL5, XL7 của một số nhà thầu phụ cho nhà thầu chính thi công.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ tiến độ các gói thầu, triển khai thi công đảm bảo tiến độ đã cam kết (6 gói hoàn thành trước ngày 30/6; 3 gói hoàn thành trước 30/8; 2 gói hoàn thành trước 30/9/2022).

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết sản lượng đạt 38,4%, chậm khoảng 1,9% so với kế hoạch cam kết (tương đương với giá trị 113 tỷ đồng, và 8 ngày thi công), do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp, mới được giải quyết dứt điểm ngày 20/5 vừa qua, ảnh hưởng mùa mưa đến sớm, nhà thầu chưa quyết liệt tập trung thi công bù lại tiến độ.

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 thực hiện cắt chuyển khối lượng 16,5km và đang tiếp tục cắt chuyển khối lượng 4,5km của nhà thầu chậm tiến độ (thuộc gói thầu XL02) đồng thời yêu cầu Ban 7 kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ lập điều chỉnh của các nhà thầu, đảm bảo đến ngày 30/6 phải đạt sản lượng 50,8% giá trị hợp đồng; hoàn thành lớp móng cấp phối đá dăm vào tháng 9/2022, lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng tháng 10/2022; hoàn thành lớp bêtông nhựa tháng 11-12/2022, hoàn thành hệ thống đường gom dân sinh, công trình an toàn giao thông vào cuối năm nay.

Dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây sản lượng chậm khoảng 0,9% so với kế hoạch (hiện khối lượng tiến độ đạt 45%) chủ yếu do ảnh hưởng của mùa mưa đến sớm, khối lượng chậm tiến độ là không nhiều. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tăng cường các mũi thi công và tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh các hạng mục nền đường, móng mặt đương, bêtông nhựa... để hoàn thành dự án đúng kế hoạch vào năm 2022.

Về 4 dự án hoàn thành năm 2023 (Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Nha Trang-Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2) sản lượng trung bình đạt 36,5% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch yêu cầu.

Đối với 2 dự án hoàn thành năm 2024, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt sản lượng đạt 5,2%, chậm khoảng 1,1% so với kế hoạch điều chỉnh do các nhà thầu huy động nhân sự, máy móc, thiết bị chưa đúng theo cam kết (đến ngày 20/5 các nhà thầu mới triển khai 79/117 mũi thi công); đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo đạt 12,55% đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 giám sát chặt chẽ và yêu cầu nhà đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục, tập trung thi công, làm tăng ca để bù lại tiến độ chậm, có giải pháp để xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ.

Nắm bắt tình hình từng giờ, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh thi công
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định 4 dự án gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây với tổng chiều dài 361km dứt khoát phải hoàn thành trong năm nay.

“Hiện, hai dự án Dầu Giây-Phan Thiết, Vĩnh Hảo-Phan Thiết sản lượng thi công chưa đạt tới 50%, các nhà đầu tư, nhà thầu phải nắm bắt tình hình từng ngày, từng giờ, tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm 3 ca, 4 ca ...thì mới có thể đưa 4 dự án cao tốc này về đích đúng hẹn. Khó khăn ở đâu, Ban điều hành dự án phải cùng nhà thầu phải lăn xả vào giải quyết,” Bộ trưởng Thể nhắc nhở.

Đối với 6 dự án thành phần còn lại, Tư lệnh ngành giao thông cũng yêu cầu phải đặc biệt quan tâm đến dự án Diễn Châu-Bãi Vọt.

“Cùng là dự án PPP, cùng có thời gian cán đích tương tự nhưng hiện dự án này dù đã có chuyển biến lớn so với 2 tháng trước nhưng mới đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng. Trong khi đó, dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo đã đạt gần 13%”, Bộ trưởng Thể nói.

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, theo ông Thái, đến tháng 5/2022, tiến độ triển khai cơ bản bám sát như công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương 576/729km (đạt khoảng 79%), dự kiến đến 30/5/2022 sẽ bàn giao thêm 106km, hoàn thành 682,4/729km (đạt 94%), các đoạn còn lại sẽ hoàn thành toàn bộ trước 30/6/2022.

Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng Thể đề nghị đặc biệt chú trọng thủ tục chuyển đổi đất rừng, đánh giá tác động môi trường, bàn giao hồ sơ mặt bằng cho địa phương.

“Bàn giao rồi không phải xong mà phải cử cán bộ theo dõi xem địa phương đã hành động, đo đạc chưa; mỏ đất, mỏ vật liệu và bãi thải không được lặp lại giai đoạn 1. Các điều kiện phải được thực hiện đảm bảo hiệu quả cao nhất để đáp ứng mốc thời gian phê duyệt dự án trước ngày 30/6 theo chỉ đạo của Chính phủ,” Bộ trưởng nói.

(Nguồn: https://congan.com.vn/giao-thong-24h/cuoi-nam-2022-thanh-2-du-an-cao-toc-dau-giay-phan-thiet-vinh-hao-phan-thiet_131758.html)

Đồng Nai cấp thêm mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

Tỉnh Đồng Nai đã cấp 3 mỏ khai thác đất theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công dự án cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây đảm bảo đúng tiến độ.

Ngày 23/5, thông tin từ Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, tỉnh Đồng Nai đã cấp phép khai thác thêm 1 mỏ đất đắp để phục vụ thi công dự án này.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết điểm kết nối với QL56 huyện Cẩm Mỹ 
Mỏ đất đắp mới được cấp phép trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ (khu vực thi công thuộc gói thầu xây lắp số 4 của dự án). Mỏ đất này có trữ lượng dự kiến hơn 200.000 m3. Trước đó, vào đầu tháng 2/2022, tỉnh Đồng Nai cũng đã cấp phép 2 mỏ đất đắp tại 2 xã Suối Cát, Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) để phục vụ thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Một điểm trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang được thảm nhựa
Đây là các mỏ đất được cấp phép theo Nghị quyết số 133 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (ngày 19/10/2021) của Chính phủ để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu thi công thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Đoạn kết nối với QL1A qua xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc
Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được Bộ GT-VT giao làm đại diện chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, trong tháng 5, đơn vị đang yêu cầu các nhà thầu phải phấn đấu hoàn thành thi công nền đường chính. Đến tháng 11/2022, sẽ cơ bản hoàn thành dự án.
Đoạn qua huyện Xuân Lộc
Để thực hiện các mục tiêu trên, thời gian tới, Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục đôn đốc các nhà thầu huy động bổ sung đầy đủ máy móc thiết bị, tăng mũi thi công, thực hiện theo đúng cam kết đã ký. Đồng thời, đồng loạt triển khai các mũi thi công nền, móng, mặt, công trình, thi công cuốn chiếu, tăng ca tăng kíp.

Hiện nay, trên công trường dự án, các nhà thầu đang triển khai 69 mũi thi công tại 4 gói thầu. Cuối tháng 4/2022, các nhà thầu cũng đã ký cam kết với Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục huy động thêm máy móc thiết bị, bổ sung mũi thi công và đang thực hiện theo cam kết đã ký.

(Nguồn: https://tienphong.vn/dong-nai-cap-them-mo-dat-phuc-vu-thi-cong-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-post1440562.tpo)

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết gấp rút để khánh thành cuối năm 2022

Sau khi cao tốc này được đưa vào sửa dụng, thời gian từ TP.HCM đi Phan Thiết (Bình Thuận) sẽ được rút ngắn chỉ còn hơn 2 giờ lái ô tô.

Cao tốc thành hình, hạ tầng hoàn thiện
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km với tổng chi phí hơn 12.500 tỷ đồng. Sau gần 19 tháng thi công, tuyến cao tốc trọng điểm đã đạt 38,5% tiến độ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Cụ thể, đoạn đầu kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất (Đồng Nai), trục đường chính đã hiện rõ. Đây là nút giao quan trọng trong tổng 6 nút của cao tốc này.
Đoạn đầu kết nối với cao tốc Dầu Giây - TP HCM thuộc huyện Thống Nhất
Bên cạnh đó, nhiều phần của cao tốc đang rút trải nhựa như đoạn đi qua xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), đoạn qua xã Hàng Gòn (TP Long Khánh), nhiều cầu vượt dân sinh thuộc xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ,...cũng đã cơ bản được hoàn thành.
Đoàn xe lu gấp rút trải nhựa, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án
Đặc biệt, nút giao quan trọng giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã xuất hiện. Sau khi nút giao này đi vào sử dụng, các phương tiện đi từ hướng TP.HCM có thể rẽ phải thẳng ra Phan Thiết. Theo đó, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết, dự kiến sẽ rút ngắn chỉ còn khoảng hơn 2 giờ, thay vì hơn 6 giờ như hiện nay.
Mút giao thông trọng điểm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Song song với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cũng đang cải tạo và mở rộng hai tuyến đường ven biển đó là 718B đoạn Kê Gà - Phan Thiết đi qua xã Tiến Thành và huyện Hàm Thuận Nam với chiều dài 25 km và đường 719 hiện hữu đoạn Kê Gà - Tân Thiện. Khi hoàn thành hai dự án này, việc tiếp cận các địa danh du lịch trở nên vô cùng thuận tiện.

Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng tập trung huy động nguồn lực triển khai đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không.

Đặc biệt để đẩy mạnh dự án sân bay Long Thành, mới đây, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng gần 5.000 ha để xây dựng sân bay Long Thành. Trong đó, hơn 2.500 ha phục vụ xây dựng giai đoạn 1 của dự án phải hoàn tất bàn giao trong tháng 5 theo yêu cầu của Chính phủ.

Sân bay Long Thành là một trong 6 cảng hàng không quốc tế ở khu vực phía Nam. Cao tốc khi đi vào sử dụng cũng sẽ kết nối với sân bay Long Thành, giúp cho du khách từ sân bay quốc tế về Phan Thiết thuận tiện và nhanh chóng hơn, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết.

Thỏi nam châm mới vùng Nam Trung Bộ
Song song cùng với các đại dự án được hoàn thành, tỉnh Bình Thuận cũng đang tiếp các làn sóng đầu tư, tạo ra cơ hội tăng trưởng trong cả ngắn hạn, trong trung và dài hạn. Đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, khu đô thị của nhiều “ông lớn” dần xuất hiện ngày càng nhiều.

Nổi bật nhất có thể kể đến NovaWorld Phan Thiết, Summerland Mũi Né,...là các sản phẩm được đánh giá hội tụ nhiều yếu tố đáp ứng xu hướng thị trường nhờ vị trí gần TP.HCM. Đặc biệt dự án có đường kết nối và ngay với đường cao tốc TP.HCM - Phan Thiết. Từ đây di chuyển tới sân bay Phan Thiết chưa đầy 10 phút.
Dự án NovaWorld Phan Thiết
Hạ tầng đi trước mở đường kinh - tế du lịch phát triển theo sau. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển.

Cùng với đó, TP. Phan Thiết sẽ trở thành đô thị du lịch biển mang tầm cỡ quốc gia. Bình Thuận đã đặt mục tiêu năm 2030 tổng thu từ khách du lịch đạt 78.000 tỷ đồng, và phấn đấu đón được ít nhất 17,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10-12%.

Chủ trương của Chính phủ không chỉ mở ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển của ngành du lịch Bình Thuận mà còn khiến cho địa phương này trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý đặc biệt của giới kinh doanh địa ốc mà điểm đến là Phan Thiết - nơi được mệnh danh là "Thủ đô Resort" của cả nước.

Được định hướng phát triển thành đô thị du lịch biển tầm cỡ quốc gia, sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện; Tiềm năng du lịch phong phú với bãi biển dài, cảnh quan hoang sơ, khí hậu trong lành… Tất cả những yếu tố này khiến Phan Thiết ngày càng hút khách du lịch cùng các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.

(Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cao-toc-dau-day-phan-thiet-gap-rut-de-khanh-thanh-cuoi-nam-2022-d552675.html)

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh giao mặt bằng thi công cao tốc Bắc-Nam trong tháng 4 (21.04.2022)

Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan bàn giao mặt bằng và giải quyết việc thiếu đất đắp nền đường dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Chiều 21-4, Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng và xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020).

Nội dung công điện Thủ tướng nêu rõ, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần trong năm 2024. Trong đó bốn dự án thành phần gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.
Một nhà thầu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Thời gian qua, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng mới đạt 99,99%; thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp nền đường tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, dù Chính phủ đã ban hành các chính sách đặc thù.

Cụ thể, các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang còn nhiều vị trí cốt điện, đường ống nước chưa hoàn thành công tác di dời.

Nhiều địa phương chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu, khiến các dự án còn thiếu 4,1 triệu m3 đất đắp nền đường. Riêng tỉnh Bình Thuận hoàn thành việc cấp phép nhưng chưa được khai thác do đang hoàn tất các thủ tục thuê đất…

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các dự án trong tháng 4 này.

Các địa phương cũng được giao đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu còn lại theo quy định đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ thi công dự án. Riêng đối với địa bàn tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bình Thuận cần hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về vật liệu đất đắp nền đường cung cấp cho đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành trong tháng 4 này.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng. Đồng thời công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu xây dựng cho công trình giao thông tại khu vực xây dựng dự án.

Bộ GTVT được Thủ tướng giao chỉ đạo các Ban quản lý dự án và các nhà thầu phối hợp với địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Chủ động rà soát các tồn tại, vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu cung cấp cho từng dự án, kịp thời làm việc với các địa phương để giải quyết, tháo gỡ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp - Viễn thông Quân đội khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, đường cáp viễn thông thuộc phạm vi quản lý, đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại bảo đảm tiến độ hoàn thành bàn giao mặt bằng.

(Nguồn: https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-cac-tinh-giao-mat-bang-thi-cong-cao-toc-bac-nam-trong-thang-4-post676811.html)

CaoTocDauGiayPhanThiet