Đường lớn đã mở rút ngắn khoảng cách TP.HCM - Phan Thiết (16.11.2020)

Ngày 16-11-2020, tại xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), Bộ GTVT đã làm lễ triển khai thi công gói thầu số 1-XL (từ km0+000 đến km16+400) và gói thầu số 4-XL (từ km83+000 đến km99+000) thuộc dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT phát lệnh thi công
Đây là tuyến cao tốc có chiều dài 99 km (đoạn đi qua Bình Thuận 47,5 km và đoạn qua Đồng Nai dài 51,5 km), được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh có qui mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 12.500 tỉ đồng gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư….Riêng gói thầu số 1-XL XL (từ km0+000 đến km16+400) đi qua 4 xã Hàm Kiệm, Hàm Minh, Hàm Cường và Tân Lập (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) với tổng giá trị dự toán hơn 1.070 tỉ đồng; gói thầu số 4-XL (từ km83+000 đến km99+000) đi qua các xã Hàng Gòn (Long Khánh), Nhân Nghĩa, Xuân Quế, Sông Nhạn (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) và xã Lộ 25, Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Lễ triển khai thi công chính thức khởi động
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên QL1.

Đồng thời, dự án sẽ giải quyết nhu cầu vận tải hành khách, hang hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và tự Bắc vào Nam.

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây còn tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch ven biển của các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Trước đó, tháng 6-2020, Quốc hội đã có Nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP (Public - Private Partner, nhà nước và nhà đầu tư cùng thực hiện dự án) của 3 dự án cao tốc sang đầu tư công bằng ngân sách. Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng- kinh doanh- quản lý (O&M) để thu hồi vốn.
Các xe cơ giới sẵn sáng tham gia thi công.
Cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây không những rút ngắn khoảng cách giữa Sài Gòn - Đồng Nai - Bình Thuận mà Long An, Tiền Giang, Cần Thơ…cũng sẽ gần hơn khi đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ hoàn thành.

Những tuyến này sẽ tạo thành tuyến đường cao tốc dài gần 400 km đi qua các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết khu vực miền Trung với miền Nam.

(Nguồn: https://plo.vn/duong-lon-da-mo-rut-ngan-khoang-cach-tp-hcm-phan-thiet-post601763.html)
Chuyên mục:

BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét