Xây cầu Phước An gần 5.000 tỉ đồng, nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc

 Chiều 4-8-2020, tại kỳ họp thứ 17, khóa VI, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt chủ trương xây cầu Phước An với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Cầu Phước An là cây cầu quan trọng để kết nối cảng biển Cái Mép - Thị Vải với cao tốc phía Nam.

Phối cảnh cầu Phước An
Trong nghị quyết được phê duyệt, kinh phí xây cầu Phước An từ vốn của ngân sách tỉnh gần 2.900 tỉ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỉ đồng. Dự án này đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình và đã được Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh này thẩm tra.

10 năm qua, hệ thống cảng biển container nước sâu Cái Mép - Thị Vải đã đi vào hoạt động nhưng mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Một trong những nguyên nhân là cảng này thiếu kết nối giao thông với các tỉnh thành miền Đông và miền Tây. 

Việc đầu tư xây dựng cầu Phước An là rất quan trọng để kết nối đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với các đường cao tốc liên vùng phía Nam và đường cao tốc Bắc - Nam. Từ đây, mới có thể khai thác hết ưu thế nước sâu của cảng Cái Mép - Thị Vải cũng như phát triển dịch vụ logistics và các khu công nghiệp.
Vị trí sẽ làm cầu Phước An - tức điểm cuối của đường liên cảng Cái Mép- Thị Vải đã được đầu tư xây dựng xong
Cầu Phước An là điểm cuối của đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư xong. Cầu này bắc qua sông Thị Vải để sang địa phận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ đó nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Vị trí cầu Phước An trên bản đồ
Cách đây hơn 10 năm, khi bắt đầu hình thành cảng Cái Mép - Thị Vải, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương xây cầu Phước An để kết nối cảng với các tỉnh thành lân cận. Thế nhưng, dự án này gặp nhiều vướng mắc, trở ngại về nguồn vốn. 

Cụ thể trước đây, chủ trương để xây cầu Phước An là bằng vốn đầu tư ODA Nhật Bản và đối tác công tư. Đến 2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hồi chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) chuyển sang hình thức đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Mới đây dự án này cũng gặp vướng mắc về hướng tuyến của cầu vì liên quan đến đất, đến quy hoạch của phía Đồng Nai. Cuối tháng 5-2020, trước khi chủ trì hội nghị phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vị trí xây cầu để tháo gỡ. 

Đến đầu tháng 7, lãnh đạo hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đã làm việc với bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để gỡ vướng. Các bên thống nhất dời cầu lên phía thượng lưu thêm 150 mét so với vị trí mà Bà Rịa - Vũng Tàu đã báo cáo trước đây.
Một góc khác phối cảnh cầu Phước An.
Ông Nguyễn Văn Trình - giám đốc Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép -Thị Vải (đại diện chủ đầu tư) - cho biết sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ban sẽ đấu thầu tư vấn thiết kế, sau đó lập dự án khả thi, tiếp đó sẽ đầu thầu thiết kế kỹ thuật và đấu thầu xây lắp. "Quan trọng nhất là chủ trương. Vốn có rồi. Những bước còn lại chỉ là theo quy định thủ tục", ông Trình nói.
Cầu Phước An dài hơn 3.500m, đường dẫn lên cầu dài 248m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài hơn 600m. Tĩnh không thông thuyền của cầu có cho tàu có trọng 30.000 tấn đi qua. Dự án cầu Phước An thuộc "nhóm A", với tổng mức đầu tư gần 4.900 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 3.750 tỉ đồng.
(Theo tuoitre.vn)

BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét