Đồng Nai tăng tốc xây khu tái định cư cho dự án cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6.2022 với tổng chiều dài 53,7km và đã được phê duyệt đầu tư. Đến nay, các địa phương đang tiến hành giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để sớm khởi công dự án trong năm 2023.
Tuyến Quốc lộ 51 đang quá tải, chờ cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sớm đưa vào khai thác để giảm bớt gánh nặng.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó tỉnh Đồng Nai được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 1; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 và Bộ giao thông vận tải là chủ đầu tư dự án thành phần 2. Tổng mức đầu tư dự án hơn 17.800 tỉ đồng.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, riêng đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km.

Về quy mô, dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Điểm đầu tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giao với đường tránh quốc lộ 1 (TP Biên Hòa).
Trong dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng nút giao khác liên thông với quốc lộ 1 đoạn tránh TP.Biên Hoà (đường Võ Nguyên Giáp). Đồng thời, xây dựng 10 cầu vượt trục thông và 6 hầm chui dân sinh dọc tuyến. Trên tuyến sẽ có 14 công trình cầu được đầu tư xây dựng gồm: 8 cầu trên đường cao tốc, 3 cầu trên các tuyến đường ngang vượt cao tốc và 3 cầu trong nút giao liên thông với quốc lộ 1.

Đến nay, đối với dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án thành phần 1 thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Trước đó, các dự án thành phần 2 và 3 đều đã được phê duyệt đầu tư.

Để triển khai dự án, Đồng Nai phải thực hiện thu hồi diện tích đất gần 400ha trên địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành. Số hộ dân cần bố trí tái định cư ở dự án này lên đến hơn 2.000 hộ. Trong đó, riêng huyện Long Thành có khoảng 1.400 hộ dân cần bố trí tái định cư. Đến nay, UBND huyện Long Thành đã khởi công dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại xã Long Đức. Đây là khu tái định cư đầu tiên phục vụ người dân dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, có quy mô diện tích gần 30ha. Sau khi hoàn thành xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho gần 3.400 nhân khẩu, tương đương với khoảng 843 hộ dân.

Trong khi đó, hiện TP Biên Hòa cũng đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng 2 khu tái định cư tại phường Tam Phước và phường Phước Tân để bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Về dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai đang yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các khu tái định trong thời gian tới để khởi công dự án trong năm 2023.
(Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/dong-nai-tang-toc-xay-khu-tai-dinh-cu-cho-du-an-cao-toc-bien-hoa--vung-tau-1149597.ldo)

Đồng Nai thu hồi đất của 2.800 hộ phục vụ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (20.02.2023)

Do số hộ bị thu hồi đất phục vụ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu rất lớn nên tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng 4 khu tái định cư, đảm bảo bố trí đủ chỗ ở cho người dân vùng dự án.
Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Ngày 20/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết để triển khai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, ngành chức năng trong tỉnh phải thu hồi hàng trăm hécta đất của khoảng 2.800 hộ tại thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, trong đó có khoảng 2.500 hộ phải giải tỏa trắng, cần bố trí tái định cư.

Hiện các ngành chức năng của Đồng Nai đang phối hợp thực hiện các bước nhằm sớm phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Do số hộ bị thu hồi đất phục vụ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu rất lớn nên Đồng Nai sẽ xây dựng 4 khu tái định cư tại phường Phước Tân, phường Tâm Phước (thành phố Biên Hòa) và xã Long Phước, xã Long Đức (huyện Long Thành) với tổng diện tích hơn 140ha.

Các khu tái định cư này có hàng ngàn lô đất, đảm bảo bố trí đủ chỗ ở cho người dân vùng dự án.

Đối với 4 khu tái định cư nêu trên, vừa qua Đồng Nai đã khởi công xây dựng khu tái định cư Long Đức với diện tích 30ha, có thể bố trí chỗ cho gần 850 hộ; dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành.

Riêng 3 khu tái định cư còn lại đang vướng mắc về nguồn gốc đất đai (phần lớn đang là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ) nên phải chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong ngắn hạn chưa thể khởi công.

Để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có chiều dài khoảng 16km, do Đồng Nai làm chủ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường gần 25m.

Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, bề rộng nền đường hơn 32 m, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án có một nút giao liên thông với đường tránh thành phố Biên Hòa, 10 cầu vượt trục thông, 6 hầm chui dân sinh và 14 cây cầu.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có chiều dài gần 54km, được chia làm 3 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng. Hiện dự án thành phần 2 và thành phần 3 do Bộ Giao thông Vận tải và Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư đã được phê duyệt./.
(Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dong-nai-thu-hoi-dat-cua-2800-ho-phuc-vu-cao-toc-bien-hoavung-tau/846989.vnp)

Thị xã Phú Mỹ chi trả tiền bồi thường dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (18.02.2023)

Trước mắt có 19 hộ đủ điều kiện với tổng số tiền 69,7 tỷ đồng.

Ngày 18-2-2023, UBND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu giai đoạn 1 cho các hộ dân, tổ chức có đất bị thu hồi thuộc địa bàn xã Tóc Tiên.

Ông Đào Danh Sỉu, giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Phú Mỹ cho biết, có 19 hộ thuộc xã Tóc Tiên nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 69,7 tỷ đồng, diện tích thu hồi đất là 3,25 ha. Trong đó 16 hộ đã nhận tiền, còn ba hộ chưa nhận (hai hộ ở xa và một hộ thiếu giấy tờ).

Người nhận bồi thường số tiền cao nhất là hơn 11 tỷ đồng.
Người dân xã Tóc Tiên nhận tiền bồi thường dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Trước đó, 16 hộ dân và một tổ chức tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ có đất phải thu hồi của dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cũng đã đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng.

Tuần tới, thị xã Phú Mỹ sẽ tiếp tục chi trả tiền cho một số hộ dân đã đủ điều kiện tại phường Hắc Dịch và xã Châu Pha.

Một số vấn đề còn vướng mắc trong quá trình bồi thường, GPMB dự án đoạn qua địa bàn, thị xã Phú Mỹ đang rất khẩn trương phối hợp cùng các sở, ngành tỉnh để sớm giải quyết, đảm bảo tiến độ đề ra.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng chiều dài khoảng 15,73km; qua bốn xã, phường (gồm phường Mỹ Xuân, Hắc Dịch, xã Tóc Tiên và xã Châu Pha). Diện tích thu hồi 115,35 ha với 1.076 hộ và 14 tổ chức/410 căn nhà.

Trong đó, đoạn qua xã Tóc Tiên có chiều dài 8,01km với 303 hộ cùng một tổ chức có đất phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 187 hộ và hai tổ chức có đất nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chờ điều chỉnh, bổ sung.
(Nguồn: https://plo.vn/thi-xa-phu-my-chi-tra-tien-boi-thuong-du-an-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-post720468.html)

Phê duyệt dự án thành phần 1 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (16.02.2023)

Ngày 16-2-2023, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay đã phê duyệt dự án thành phần 1, thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 qua địa bàn.
Người dân xem sơ đồ quy hoạch về dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại hội nghị
Theo đó, dự án thành phần 1 có chiều dài khoảng 16km. Điểm đầu tại km0+00, kết nối với quốc lộ 1 (tuyến tránh TP Biên Hòa, tên khác là đường Võ Nguyên Giáp) thuộc phường Phước Tân, TP Biên Hòa. Điểm cuối tại km16+00 thuộc xã Long An (huyện Long Thành) kết nối với điểm đầu dự án thành phần 2.

Trong giai đoạn 1, dự án thành phần 1 được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Ngoài ra, trong dự án thành phần 1 sẽ đầu tư xây dựng nút giao khác mức liên thông với quốc lộ 1 (tuyến tránh TP Biên Hòa), xây dựng 10 cầu vượt trực thông và 6 hầm chui dân sinh dọc tuyến.

Trên tuyến sẽ có 14 công trình cầu được đầu tư xây dựng gồm: 8 cầu trên đường cao tốc, 3 cầu trên các tuyến đường ngang vượt cao tốc và 3 cầu trong nút giao liên thông với quốc lộ 1.
Tổng mức đầu tư dự án thành phần 1 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 là hơn 6.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.

Riêng dự án thành phần 1 được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2026.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh được UBND tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án thành phần 1 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án…

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6-2022 với tổng chiều dài 53,7km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó tỉnh Đồng Nai được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 1; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 và Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư dự án thành phần 2. Tổng mức đầu tư dự án hơn 17.800 tỉ đồng.
(Nguồn: https://tuoitre.vn/phe-duyet-du-an-thanh-phan-1-duong-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-20230216123545759.htm)

Phê duyệt đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (12.12.2022)

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt đầu tư dự án thành phần 2 thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 với chiều dài 18,2km, tổng mức đầu tư hơn 6.850 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.
Người dân huyện Long Thành xem sơ đồ quy hoạch về dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại hội nghị lấy ý kiến người dân về dự án này
Cụ thể dự án thành phần 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 18,2km.

Dự án có điểm đầu tại km 16 (kết nối với điểm cuối dự án thành phần 1 tại khu vực nút giao Long Thành với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Điểm cuối tại km 34+200 (kết nối với điểm đầu dự án thành phần 3 thuộc địa phận xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Từ điểm đầu, tuyến cao tốc đi song song cách quốc lộ 51 hiện nay khoảng 1,5km, cắt qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại km 16+800, tới vị trí giao với tuyến đường nối tỉnh lộ 25C vào sân bay Long Thành tại khoảng km 20+300.

Tuyến tiếp tục đi thẳng và giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại km 29+400, vượt sông Vạc tại km 30+980, đi lên phía bắc Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 và khu đô thị Phú Mỹ tới điểm cuối dự án tại km 34+200 thuộc xã Phước Bình, huyện Long Thành.

Dự án thành phần 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đầu tư với vận tốc thiết kế 100km/h.

Đoạn từ đầu tuyến đến nút giao Tân Hiệp (km 29+800) có quy mô 5 làn xe (nền đường rộng 32,25m) trong giai đoạn 1, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 8 làn xe (nền đường rộng 39,75m).

Đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến cuối tuyến đầu tư với quy mô 4 làn (nền đường rộng 24,75m) trong giai đoạn 1, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe (nền đường rộng 32,25m).

Riêng các đoạn trong phạm vi nút giao đầu tư hoàn chỉnh trong giai đoạn 1 như nút giao Long Thành, Tân Hiệp đầu tư quy mô 6 làn xe (nền đường rộng 32,25m); nút giao sân bay quy mô 8 làn xe (nền đường rộng 39,75m).

Tổng mức đầu tư dự án thành phần 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 6.852 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.179 tỉ đồng, chi phí xây dựng 3.871 tỉ đồng…

Dự án thành phần 2 được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2026.

Với vai trò người quyết định đầu tư, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án 85 thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án thành phần 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án…
Theo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2022, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 53,7km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 17.837 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh Đồng Nai (2.600 tỉ đồng), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (670 tỉ đồng).

Dự án có tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.

Nghị quyết của Quốc hội chia dự án đường cao tốc Biên Hòa - Đồng Nai thành 3 dự án thành phần gồm: dự án thành phần 1 qua tỉnh Đồng Nai dài 16km, quy mô 4 làn xe, vận tốc 100km/h.

Dự án thành phần 2 qua tỉnh Đồng Nai dài 18,2km, quy mô 4 đến 6 làn xe, vận tốc 100km/h; dự án thành phần 3 qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km, quy mô 4 làn xe, vận tốc 100km/h.

UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền đầu tư dự án thành phần 1, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền đầu tư dự án thành phần 2, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thẩm quyền đầu tư dự án thành phần 3.
(Nguồn: https://tuoitre.vn/phe-duyet-dau-tu-du-an-thanh-phan-2-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-20221212113238603.htm)

5 Xu hướng đầu tư Bất động sản năm 2023

Khi bạn nắm được 5 xu hướng dưới đây, bạn có thể xem xét chuyển hướng sản phẩm, cũng như sắp xếp các công việc của mình phục vụ cho nhu cầu thị trường.
5 Xu hướng đầu tư Bất động sản năm 2023
XU HƯỚNG 1: Dịch chuyển từ Bất động sản ĐẦU CƠ sang Bất động sản TIÊU DÙNG.
Người mua Bất động sản thường có 2 nhóm: một là ĐẦU TƯ và hai là người mua để TIÊU DÙNG.
Trong bối cảnh siết tín dụng, lãi suất ngân hàng đang tăng thì khách đầu tư ít dần, lúc này chủ yếu là khách tiêu dùng.
Bất động sản đầu cơ: là những mảnh đất ở xa, mua và để đó, chờ đủ lâu, tăng giá và bán.
Bất động sản tiêu dùng: đất dùng để xây nhà ở, làm văn phòng hoặc kho xưởng. hay Mua để phục vụ công việc kinh doanh như: làm vận chuyển, làm giáo dục, y tế,...
Như vậy bạn có thể xem xét dịch chuyển sản phẩm mình kinh doanh từ Bất động sản đầu cơ sang loại Bất động sản tiêu dùng phục vụ nhu cầu của người dùng cuối này.

XU HƯỚNG 2: Dịch chuyển từ Bất động sản ở VEN ĐÔ về TRUNG TÂM, từ xa về gần.
Nhiều bạn đầu tư Bất động sản ở xa trung tâm, cách 3-4h di chuyển thì chuyển về đầu tư cách trung tâm 30-40 phút.
Mục tiêu của việc dịch chuyển này là đáp ứng tính thanh khoản (thanh khoản xếp số 1).
Thanh khoản tức là muốn bán tài sản thì có người mua nhanh, chuyển thành tiền mặt nhanh.
Trung tâm được hiểu là các thành phố lớn: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Cách hiểu thứ 2 là trung tâm các thành phố, các tỉnh, Thị Xã,...
Tất nhiên việc dịch chuyển từ ven đô về trung tâm, từ xa về gần này phù hợp với những nhà đầu tư với chiến lược đánh ngắn hạn (6 tháng đến 1 năm), còn nhà đầu tư tầm nhìn trung và dài hạn 3-5 năm trở lên thì họ vẫn mua ở xa.
Xu hướng thứ hai này phù hợp với các bạn đánh ngắn, ưu tiên tính thanh khoản

XU HƯỚNG 3: SĂN TÀI SẢN THANH LÝ, “NGỘP”.
Trong giai đoạn này bạn có thể đi xem và trả giá các Bất động sản giảm được từ 15-20%.
Nhiều người hiện nay đang vay ngân hàng, áp lực trả lãi ngân hàng sẽ phải chấp nhận bán cắt lỗ.
Lúc này thời gian là kẻ thù của người bán, càng kéo dài càng mệt mỏi, càng áp lực. Khó khăn của người này, là cơ hội của người khác.
Lưu ý: Chúng ta nên tách ra làm 2 loại, có những nơi, những loại hình Bất động sản ví dụ đất ở khu vực xa xôi nó sẽ xuống nữa nếu như nó xuất phát từ giai đoạn sốt ảo.
Tuy nhiên có những khu vực, loại hình Bất động sản ở trung tâm, mặt đường to, vị trí đẹp, nguồn cung không nhiều thì có khi hở ra là vẫn mất hàng. Lúc thị trường trầm lắng, bạn có thể mua được nhiều tài sản ngon mà trước đó ít khi xuất hiện.
Chú ý: Thời điểm này nên tỉnh táo để phân biệt được tài sản ngon bán giá “ngộp” và tài sản giá rẻ vì có vấn đề (pháp lý, phong thủy, quy hoạch, hay sản phẩm từ giai đoạn sốt ảo,...)

XU HƯỚNG 4: TỪ Bất động sản LÃI VỐN sang Bất động sản DÒNG TIỀN.
Bất động sản lãi vốn là gì: Là Bất động sản bạn mua giá 10 đồng, tăng lên thành 12, 13, 20 đồng.
Bất động sản dòng tiền: là bất động sản có thể khai thác thu tiền về hàng tháng, hàng năm theo tỷ suất 5-10%/năm, sau này giá trị bất động sản tăng tính sau.
Bạn có thể đầu tư Bất động sản dòng văn phòng, cho thuê thu tiền hàng tháng, Bất động sản nghỉ dưỡng để khai thác ăn chia với chủ đầu tư.
Tính ra Bất động sản dòng tiền sẽ phân ra 3 loại:
+ Dòng tiền thấp
+ Dòng tiền cao
+ Dòng tiền ổn định và không ổn định.
Thời gian qua có những câu chuyện chủ đầu tư cam kết với nhà đầu tư khai thác cho thuê cam kết 10-12%/năm. Tuy nhiên hết thời hạn 5 năm thì chủ đầu tư báo lỗ, nhà đầu tư náo loạn, lúc này mới biết là đầu tư kiểu này không hiệu quả.
Nhiều người đã dịch chuyển sang loại hình bất động sản dòng tiền này: mua đất xây tòa nhà cho thuê, mua đất đầu tư khách sạn, homestay,...

XU HƯỚNG 5: GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ
Nhiều người xác định điểm vào và điểm ra khi đầu tư bất động sản.
Giai đoạn này phù hợp làm pháp lý: ví dụ tách thửa, 1 số tài sản tách làm 2-3 vòng. Nhiều trường hợp thì giai đoạn này làm chuyển đổi mục đất sử dụng đất, cải tạo, làm mặt bằng.
Một số chủ đầu tư thì giải phóng mặt bằng, làm thủ tục pháp lý.
Giai đoạn rất tuyệt vời để làm pháp lý cho bất động sản
Giai đoạn này một số bạn cũng tập trung học tập, kết nối, phát triển cá nhân.
Sự nghiệp bất động sản của bạn là 20-30 năm thì dành một vài năm để học tập và phát triển cá nhân là điều tất nhiên rồi.

Thì bài học rút ra dành cho các bạn là, cứ sau 2 đến 3 năm mà thu nhập của bạn không gia tăng được, tức là bạn đang bị giới hạn về nhận thức, và đến lúc bạn nên có một công cụ mới.
Ngồi ở nhà thì không nghĩ ra được, Giai đoạn này một số bạn vẫn tích cực đi xem và tìm cơ hội.
Cũng có nhiều người đang quan sát và chờ tín hiệu kinh tế vĩ mô điều chỉnh như tình hình siết tín dụng, tăng lãi suất, tình hình chiến tranh,...

Giằng co tâm lý đầu tư BĐS cuối năm 2022: “ôm tiền” hay “đi săn”? (10.12.2022)

Khi các đợt tăng lãi suất khiến nhà đầu tư ngần ngại tham gia thì trường thì thông tin nới room tín dụng cuối năm 2022 lại mang đến tâm lý tích cực. Trên các diễn đàn đầu tư Bất động sản đang xuất hiện các luồng ý kiến trái chiều về việc đầu tư đón đầu vào thời điểm trầm lắng hay tích trữ vốn chờ tín hiệu rõ ràng hơn.
Một số nhà đầu tư đã bắt đầu "gom hàng" trong thời điểm thị trường trầm lắng
Không nên bỏ lỡ cơ hội
Những thông tin về room tín dụng mới mang đến những thay đổi tích cực trong tâm lý của nhà đầu tư. Theo đó, ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm đến 150.000 - 200.000 tỉ đồng.

Dù các tác động của việc nới room tín dụng trước đó không mang lại hiệu quả rõ rệt đối với thị trường bất động sản do nguồn tiền vẫn sẽ ưu tiên cho việc sản xuất – kinh doanh, nhưng các nhà đầu tư vẫn tin rằng bằng cách gián tiếp, dòng tiền vẫn sẽ chảy về thị trường nhà đất.

Anh Khánh (Hà Nội, làm việc tại TP.HCM) cho rằng nếu tận dụng được nguồn tín dụng cuối năm thì vẫn nên đầu tư vào bất động sản.

“Bất động sản không phải là kênh sinh lời chính của tôi mà chỉ là phương tích lũy tài sản. Trước khi đầu tư tôi phải dự phòng khoản tiền để duy trì kinh doanh chính, vốn không nhiều nên tôi kết hợp với bạn bè thành nhóm đầu tư. Nếu cuối năm vay được ngân hàng thì có thể dùng khoản dự phòng kinh doanh để đầu tư đất, năm sau thị trường phất lên thì bán đi vẫn có lời”, anh Khánh cho biết.
Các nhà đầu tư lên phương án tận dụng việc nới room tín dụng cuối năm để tăng vốn cho đầu tư nhà đất
Nhà đầu tư cho biết khả năng tiếp cận tín dụng cao vì doanh nghiệp của anh hoạt động khá ổn định qua mùa dịch, các khoản vay ngân hàng đều tất toán đúng hạn, và anh xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với ngân hàng khu vực.

“Bên tôi sản xuất phân bón, đầu năm nhu cầu sẽ tăng nên cần vốn để gia tăng sản xuất từ đó sẽ dễ được duyệt khoản vay. Điều tôi lo bây giờ là ngân hàng tôi làm việc cùng sẽ được bố trí bao nhiêu tiền, có đủ phân bổ đúng nhu cầu kế hoạch của mình hay không”, anh Khánh cho biết.

Theo nhà đầu tư, khi đã có khoản tín dụng cho kinh doanh, anh và nhóm sẽ sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi chốt các giao dịch tiềm năng để làm đầy giỏ hàng cuối năm. Chuẩn bị cho mùa giao dịch vào quý 2/2023.

“Thời gian qua nhóm tôi đã chấm một vài sản phẩm tốt và có chiều hướng giảm giá rồi, chỉ cần gom đủ vốn là đi thương lượng, chốt sớm không sẽ bị người khác chiếm mất. Mấy tháng nay người ta đã bắt đầu đi gom hàng rồi, mình chần chừ thì sẽ mất cơ hội”, anh Khánh chia sẻ.

Dữ trữ tiền mặt để chuẩn bị cho cơ hội tốt hơn
Chia sẻ ý kiến đối lập, chị Phương (TP.Thủ Đức) cho biết đã gửi phần lớn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng để đón lãi suất huy động cao.

“Trước đây, chúng tôi phân bổ tiền ở nhiều ngân hàng để phòng tránh rủi ro, khi cần thì rút nhanh chóng. Giờ tập trung vào 2 tài khoản, gửi kỳ hạn 3-6 tháng những số tiền lớn thì mức lãi cũng khả quan. Nhìn chung thời điểm này dự trữ tiền mặt vẫn hơn là đầu tư”, chị Phương chia sẻ.

Chia sẻ về việc đầu tư bất động sản, chị Phương cho rằng vợ chồng chị ưu tiên phân khúc đất nền vì khả năng sinh lời cao và thu hồi vốn nhanh.

“Đất giữ của (dự trữ tài sản-PV) thì vợ chồng tôi đều có rồi, giờ muốn đầu tư vào cái gì dễ sinh lời một chút chứ đầu tư kiểu lâu dài phát sinh nhiều vấn đề không thể quản lý hết được. Trước đây tôi cũng có mấy căn nhà mua rồi cho thuê ở dưới quê (Bình Dương) nhưng sau phải bán đi vì không có thời gian chạy đi chạy lại”, chị Phương cho biết.

Chị Phương cho rằng hiện tại phân khúc nhà liền thổ không phải là phương án đầu tư phù hợp vì mức giá quá cao, khó giảm giá, tiềm năng sinh lời cũng không đủ hấp dẫn. Đặc biệt nhà phố vùng nội đô đã đến mức bão hóa, khả năng chênh lệch khi giao dịch không cao còn nếu khai thác cho thuê thì không bằng lãi suất gửi ngân hàng.

Tuy nhiên nhà đầu tư cũng cho rằng đây không phải là thời điểm tốt để đầu tư đất nền. Trong khi giá sản phẩm quá cao nhưng thanh khoản lại kém, việc chôn vốn nhàn rỗi lâu không phù hợp với tiêu chí đầu tư của vợ chồng chị.
Nhiều nhà đầu tư không thích "chôn" nguồn vốn dự trữ quá lâu
Quan sát thị trường kết hợp tham khảo các số liệu phân tích, chị Phương và chồng lên kế hoạch sẽ tạm hoãn kế hoạch đầu tư trong 6 tháng tời. Thời gian này sẽ tập trung vào công việc kinh doanh để gia tăng nguồn vốn nhàn rỗi.

“Đến thời điểm giá giảm đến mức hợp lý thì số người mua bán giao dịch cũng sẽ nhiều hơn. Khi đó ai có vốn mạnh thì thắng. Mình quan điểm thu lời từ nhu cầu của thị trường nên cũng không quá quan trọng chênh lệch đáy-đỉnh”, chị Phương chia sẻ.

Kế hoạch của chị Phương cũng có cơ sở khi các chuyên gia cũng cho rằng thị trường bất động sản chưa thể có các tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định thị trường có những điều chỉnh đi xuống nhưng tốc độ giảm còn thấp, mức giảm cũng chưa cao, chưa thể coi là đáy. Với các nhà đầu tư muốn hạn chế rủi ro thì nên quan sát thêm đến quý 2/2023 để nắm bắt được xu hướng của thị trường.

“Có thể, qua Tết thị trường bất động sản sẽ bình ổn lại, đến quý 3, quý 4 năm sau, thị trường sẽ tăng trưởng ổn định”, ông Quang dự báo.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital, cho rằng diễn biến lãi suất sẽ là một trong những yếu tố báo hiệu sự đảo chiều của giá bất động sản.

“Theo quan điểm của tôi khi nào lãi suất chưa đạt đỉnh thì giá trị tài sản chưa thể nào đạt đáy. Và hiện tại lãi suất chưa đạt đỉnh, và khả năng lãi suất còn tiếp tục đi lên nên giờ chưa phải đáy bất động sản”, ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng trong thời gian tới do kinh tế vĩ mô và bối cảnh thị trường hiện đang ở pha điều chỉnh mạnh. Bên cạnh giá giao dịch bất động sản, các yếu tố về luật Đất đai, siết room tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản thị trường.
(Nguồn Cafeland)